Lúc 21h tối qua, tôi bỗng nhận được một tin nhắn từ máy điện thoại của anh Lê Xuân Lâm ở Sài Gòn. Tin nhắn chỉ có một dòng: “Ba Lâm mất lúc 4h chiều nay, cháu xin báo mọi người”. Đó là tin nhắn của cô con gái Lê Xuân Lâm bằng máy điện thoại của bố!
Thế là Lê Xuân Lâm đã ra đi rồi, Không có gì bất ngờ, nhưng mà sao thấy đột ngột quá.
Lê Xuân Lâm sinh năm 1955, hơn tôi vài tuổi. Anh học sau tôi một khóa tại Khoa Ngữ-văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vì trước đó anh đã học qua một trường Cao đẳng khác. Do khác khóa, lại khác chuyên ngành (Lâm học Ngôn ngữ K.22, tôi học Văn K.21) nhưng chúng tôi quen biết nhau, trước hết là vì cùng quê ở Thanh Hóa. Nhiều năm sau, khi tôi đã trở thành giảng viên của Khoa Báo chí, Phân viện Báo chí và Tuyên truyền, có lần đi giảng tại lớp Đại học Báo chí tại chức ở tỉnh Gia Lai, tôi đã gặp lại Lê Xuân Lâm. Tuy hơn tuổi, nhưng anh cứ nhất quyết gọi tôi bằng “thầy” và không thay đổi cách xưng hô như thế cho đến tận sau này.
Ấn tượng sâu đậm nhất của tôi về Lâm là tính cách hiền lành, chân thành và nghiêm túc trong công việc. Đặc biệt, anh say mê tìm hiểu, nghiên cứu và rất quan tâm đến thơ ca và các nhà thơ, dù anh không phải là người làm thơ. Trong những phút trò chuyện (tuy không nhiều) nhưng anh hay nhắc đến thầy trò của Khoa Ngữ-Văn, đến cuộc sống ở Ký túc xá Mễ Trì và rất nhiều kỷ niệm với bạn bè thuở ấy…
Những năm sau này, thỉnh thoảng tôi cũng có thông tin về anh dù không gặp nhau trực tiếp. Cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn cứ xô đẩy mỗi người một ngả. Chỉ đến những ngày cuối năm 2024, đầu năm 2025 này, tôi lại mới có liên lạc với Lâm nhiều hơn, sau khi được anh gửi tặng một cuốn sách của anh vừa xuất bản: “Thơ như tôi hiểu”. Lâm gửi sách cho tôi qua một người bạn của anh ở Hà Nội là PGS,TS. Phạm Văn Tình (hiện là Phó Viện trưởng, kiêm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam học).
Về cuộc đời, thân thế của Lê Xuân Lâm, Phạm Văn Tình đã kể lại rất chi tiết trong một bài viết mới đăng trên FB của anh ngày hôm qua, khi nghe tin Lâm ra đi. Là bạn học của Lâm ở Khoa Ngữ-Văn, những năm qua thường xuyên liên lạc với nhau nên Phạm Văn Tình biết rõ, hiểu rõ về Lâm và gia đình. Đọc bài viết của anh với tiêu đề: “Vĩnh biệt Lê Xuân Lâm – Giá tôi sống được hai năm nữa”, tôi đã ứa nước mắt khi được biết rõ hơn về gia cảnh, công việc và nhất là về căn bệnh ung thư quái ác đã lấy đi cuộc sống của Lâm. Mấy đoạn trích ngắn ngủi về những cuộc trao đổi của hai người bạn làm cho tôi xúc động. Chính tôi cũng có mấy cuộc trao đổi ngắn ngủi như thế với Lâm ngay trong những ngày tháng 2 vừa qua, trước khi Lâm vào đợt điều trị lần cuối cùng để rồi ra đi mãi mãi.
Những cuộc trao đổi của chúng tôi chủ yếu là để nói về các tác phẩm đã gửi tặng cho nhau. Sau khi Lâm gửi tăng cho tôi cuốn sách “Thơ như tôi hiểu”, tôi cũng đã gửi tặng anh một bộ sách Tuyển tập các tác phẩm của tôi. Ở thời điểm ấy, tôi đã biết thời gian còn lại của Lâm trên cõi đời này chỉ còn tính bằng ngày. Tôi gửi bộ sách tặng Lâm nhưng biết anh sẽ không thể có thời gian để đọc. Có bao nhiêu việc cần phải suy nghĩ, cần phải làm trước khi ra đi mãi mãi. Tôi tặng sách cho Lâm chỉ với mong muốn là đã không phụ sự tôn trọng của anh dành cho tôi trong nhiều năm qua, để nói với anh là tôi vẫn mải miết viết để kiếm sống, viết để giãi bày những điều tâm huyết trong cuộc đời mình. Chính bởi thế, khi Lâm từ giường bệnh gửi cho tôi ảnh chụp một bài viết của anh đề ngày 25-1-2025 có tiêu đề: “Đọc thơ Đức Dũng – Đi tìm”. Nhìn bài viết nháp bằng mực xanh, đỏ mà Lâm đang viết dở giữa những cơn đau quằn quại, tôi đã cắn môi để không bật ra tiếng khóc. Bài viết mới chỉ là những ý tưởng được trình bày trong một trang giấy. Khi chat qua zalo với tôi, Lâm nói muốn đặt lại tiêu đề cho bài viết ấy là: “Một Đức Dũng – Nhà khoa học nhìn từ Thơ ông”. Lâm đã gửi bản nháp cho tôi vì anh hiểu rằng mình không thể hoàn thành bài viết ấy. Đúng là anh không thể hoàn thành bởi những cơn đau khủng khiếp vì bạo bệnh và vì anh đã hết thời gian trên cái “cõi tạm” này. Nếu Lâm hoàn thành bài viết ấy, tôi tin chắc rằng đó sẽ là một bài viết tâm huyết, chân tình bè bạn và ở đó, Lâm sẽ thẳng thắn chỉ ra những ưu điểm, những hạn chế của thơ tôi. Thật tiếc vì Lâm đã không còn đủ thời gian để chỉ ra cho tôi những điều đã có thể giúp tôi rất nhiều trong những sáng tác của mình…
Sau khi tặng sách cho tôi, Lâm cũng muốn tôi viết một cái gì đó về cuốn sách “Thơ như tôi hiểu” của anh. Tôi vẫn đang cố gắng thực hiện điều đó thì Lâm đã vội ra đi. Vậy là cả tôi và Lâm đều còn “nợ” nhau một bài viết.
Riêng với tôi, bài viết về cuốn sách “Thơ như tôi hiểu” của Lê Xuân Lâm vẫn chưa hoàn thành có lý do là tôi vẫn đang phải đọc đi đọc lại cuốn sách ấy. Thú thật là suốt quãng thời gian 45 năm từ sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ-Văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi hầu như ít có thời gian để trở lại với những nghiên cứu về văn chương nói chung và về thơ ca nói riêng. Chính vì thế, những kiến thức đậm chất hàn lâm, những luận điểm khoa học về thơ ca cùng với những câu chuyện, những kỷ niệm và cảm xúc mà Lâm trình bày trong cuốn sách khổ 16cmx24cm dày 378 trang ấy đã đưa tôi trở lại cái thời sinh viên Văn Khoa sôi nổi, hào hứng thuở nào. Những kỷ niệm, những bạn hữu, những cuốn sách, bài thơ, nhân vật được nêu ra trong “Thơ như tôi hiểu” của Lê Xuân Lâm đã gợi lên sống động cái thuở sinh viên nghèo đói nhưng tràn đầy mơ ước, mộng tưởng. Bởi vậy, chưa cần bàn đến chất lượng khoa học, “Thơ như tôi hiểu” đã trở thành cánh cửa thân thương đưa tôi (và chắc chắn là nhiều người bạn khác của Lâm) trở về với Khoa Ngữ-Văn, với Trường Đại học Tổng hợp hà Nội và với cái Ký túc xá Mễ trì với rất nhiều kỷ niệm của 4 năm đèn sách.
Theo tôi, “Thơ như tôi hiểu” là cuốn sách khó đọc, mặc tác giả đã viết ra nói bằng một văn phong không hoàn toàn mang phong cách lý luận, phê bình. Nói đúng hơn, lẫn trong những trang lý luận là một giọng điệu mang phong cách ký với cái tôi – tác giả với lối ăn nói, giao đãi khá mộc mạc, chân tình. Mặc dù vậy tôi vẫn nghĩ “Thơ như tôi hiểu” là cuốn sách không dành cho số đông, cho dù là trong cái bối cảnh “người người làm thơ, làng làng làm thơ” như bây giờ.
Tôi vẫn đang đọc lại sách của Lê Văn Lâm và hy vọng sẽ có một bài viết về công trình để đời của anh. Cuốn sách ấy Lâm đã dành cả đời mình cho nó, là cái phần tinh túy nhất, say mê nhất và là ước nguyện cả đời anh gửi lại cho bạn bè, cho nền văn học nước nhà. Bởi vậy, không thể chấp nhận những đánh giá hời hợt hay những khen chê “cho vừa lòng nhau. Lê Xuân Lâm đã ra đi mãi mãi, nhưng nếu còn ở lại trên cõi đời này, chắc chắn anh cũng chỉ muốn nghe những nhận xét chân tình và thẳng thắn.
Trong cuốn sách “Thơ như tôi hiểu” , ở trang 314, Lê Xuân Lâm có nhắc đến một người bạn của anh là thầy giáo, một người rất yêu thơ tên là Chử Anh Đào, một người đã rời “cõi tạm” vì căn bệnh ung thư vòm họng quái ác. Lâm đã đưa một bài bình thơ có tiêu đề “Hòa vào trời đất mà xanh” của Chử Anh Đào vào cuốn sách của mình “như một nén nhang tâm nhang tưởng nhớ anh, cũng là để biết ơn anh đã khích lệ, động viên” cho Lâm viết tập sách “Thơ như tôi hiểu”.
Với tôi cũng thế. Thôi thì xin được xem bài viết nhỏ này là một nén tâm nhang gửi đến Lê Xuân Lâm – một con người đã chiến đấu đến cùng cho ước vọng lớn nhất của đời mình, đã để lại một tác phẩm để đời và tôi tin rằng tên tuổi của anh sẽ sống mãi cùng với từng trang sách ấy.
Vĩnh biệt Lê Xuân Lâm. Bạn ra đi thanh thản nhé!
Đêm 02-4-2025
Đức Dũng