THƯƠNG NHỚ BẠN PHÙNG VĂN LA

(Một trong những tấm ảnh kỷ niệm với Phùng Văn La từ tháng 2/2013 trong một lần về thăm quê Thanh Hóa)

Lúc 12h15 phút trưa hôm nay (ngày 02-4), nhà báo Phí Văn Điển ở Sài Gòn nhắn qua zalo, báo một cái tin dữ khiến tôi bàng hoàng không thể tin là sự thật: người bạn của chúng tôi, Phùng Văn La (bút danh Thanh La), nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cao su Việt Nam đã vĩnh biệt cõi đời này lúc 10h sáng. Mười phút sau, một người bạn khác cũng ở Sài Gòn là nhà báo, đại tá Phạm Văn Mấy gọi điện báo cái tin đau buồn ấy cho tôi và cũng gần như ngay sau đó là tin nhắn của anh bạn Mạnh Phát từ Bình Long gửi ra; rồi điện thoại của bạn Quốc Vụ từ Nha Trang gọi đến. Tất cả đều để báo cái tin đau buồn ấy. Đến 15h chiều nay, Mạnh Phát lại gửi cho tôi một bản cáo phó, trong đó ghi rõ: linh cữu Phùng Văn La quàn tại 101 Nguyễn Văn Thương, phường 25, Quận Bình Thanh, Tp HCM và đến 19h tối nay sẽ làm nghi thức nhập quan và phát tang.
Đau buồn quá! Vậy là người bạn thân yêu của chúng tôi đã ra đi. Mãi mãi!
Tôi và Phùng Văn La đã gặp nhau từ gần nửa thế kỷ trước. Năm 1976, tôi trúng tuyển và được vào học tại Khóa 21, Khoa Ngữ-Văn của Trường Đại học Tổng Hợp, Hà Nội. Ký thúc xá Mễ Trì, nơi tôi ở rất gần với Trường Đại học Ngoại ngữ, nơi La đang học tiếng Nga năm thứ ba. Giáp ranh giữa hai trường là một con đường nhỏ (nay là đường Lương Thế Vinh, quận Thanh Xuân, Hà Nội) với dãy quán nước tạm bợ. Đó là nơi chúng tôi đã gặp nhau, đã trở thành bạn bè, bắt đầu từ việc nhận ra giọng nói của người Thanh Hóa. Hỏi ra mới biết chúng tôi đều ở huyện Đông Sơn. La ở xã Đông Tiến, còn tôi ở xã Đông Tân. Gia đình tôi chỉ cách gia đình La vài cây số.
Tình bạn của chúng tôi đã bắt đầu từ ngày đó. Mỗi lần về quê ở Thanh Hóa, La thường đến nhà tôi và được bố mẹ tôi coi như con trong gia đình, có thể ăn, ngủ, đọc thơ, ca hát… ở đây như ở nhà của mình vậy.
Gần 50 năm qua, tình bạn của chúng tôi đôi khi cũng có những khoảng lặng, vài nốt trầm nhưng chưa bao giờ bị đứt đoạn. Tôi đã được chứng kiến tất cả những biến động trong cuộc đời của bạn, bắt đầu từ khi La mới ra mới trường, vào bộ đội và làm phiên dịch cho các sỹ quan người Nga tại Xuân Mai, Hà Tây cũ (năm 1980); sau đó là những năm tháng lang thang, phiêu dạt cho đến khi trở thành cán bộ của ngành Cao su Việt Nam ở Tp Hồ Chí Minh; rồi lấy vợ, sinh con và sống hết mình với bạn bè báo chí, văn nghệ sỹ ở Sài Gòn…
Tôi ở Hà Nội nhưng do điều kiện đặc thù của công việc, những năm qua tôi và La đã gặp nhau rất nhiều lần, khi thì ở Hà Nội, lúc ở Tp Hồ Chí Minh. Phùng Văn La là một con người chân thành, nhiệt huyết và luôn hết lòng với bạn bè! Anh viết văn, viết báo, thích làm thơ và đọc thơ. Mỗi lần gặp nhau, anh lại đọc cho tôi nghe những tác phẩm mới của mình – những tác phẩm được viết ra bằng sự hồn nhiên, chân thành có pha chút ngây thơ… La có lối đọc thơ rất đặc biệt, ngân nga như hát, như khóc và nhiều khi anh vừa đọc thơ vừa khóc thật sự.
Trong lần gặp nhau gần đây nhất, tôi và La đã ngồi lai rai tại một quán vỉa hè ở quận Bình Thạnh. Hôm ấy trời Sài Gòn mưa như trút nước. La tặng tôi tập thơ viết về ngành Cao su rồi ân cần rót rượu cho tôi bằng bàn tay run run. Tôi không hiểu anh mắc bệnh gì, chỉ biết nhắc bạn nên cẩn thận giữ gìn sức khỏe… Hôm ấy, anh không đọc thơ như mọi lần.
Không thể ngờ được đó lại là lần gặp nhau cuối cùng của chúng tôi.
Từ nay, tôi sẽ không bao giờ còn được bàn tay run run ấy rót rượu cho nữa!
Từ nay, những người bạn thân thiết của anh sẽ không bao giờ còn được nghe cái giọng đọc thơ ngân nga như hát, như khóc ấy nữa!
***
Kỷ niệm về tình bạn của chúng tôi qua gần nửa thế kỷ thì có rất nhiều! Trong đó, có một chuyện từ 40 năm trước (năm 1982), khi tôi đang là phóng viên của Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Thanh Hóa. La từ Sài Gòn viết thư cho tôi bày tỏ mong muốn tôi viết tặng anh và người bạn gái mới quen tên là Minh Quyên một bài thơ. Chiều ý bạn, tôi đã viết một bài thơ nặng trĩu tâm sự có tựa đề: “Thơ gửi về thành phố” và gửi cho bạn. Nhiều năm sau, La vẫn thường đọc cho bạn bè ở Sài Gòn nghe bài thơ ấy. Và lần nào đọc, La cũng khóc.
Năm 2023, tôi đã đưa bài thơ ấy vào trong phần III Tuyển tập của mình. Hôm nay, trong cái ngày định mệnh mồng 2 tháng Tư này, tôi ngồi một mình ở quê hương Thanh Hóa để thương nhớ bạn. Tôi đọc lại bài thơ cũ để tiễn bạn về cõi vĩnh hằng; tôi nhớ lại hình ảnh bạn vừa khóc vừa đọc thơ. Lần nào cũng thế, khi đọc đến bốn câu thơ: “Vạt áo xưa còn rách giữa trang thơ/ Bạn chia tay tôi hăm hở về thành phố/ Hành lý mang theo có một bài thơ nhỏ/ Nhưng bài thơ sẽ nói được điều gì?” là bạn lại khóc… Tôi nhớ lại và bây giờ tôi cũng đang khóc cùng với bạn đây!
Phùng Văn La ơi, bạn yên nghỉ nhé!. Chúng tôi, những người đã sống cùng bạn, đã cãi cọ, châm chọc bạn; đã chia ngọt sẻ bùi với bạn; đã nghe bạn đọc thơ và đã yêu quý bạn… xin được cầu chúc cho linh hồn bạn sớm được siêu thoát.
Đức Dũng cùng với các anh Phí Văn Điển, Phạm Văn Mấy, Mạnh Phát, Quốc Vụ và rất nhiều bạn bè văn nghệ sỹ, báo chí cùng với anh em, đồng đội của bạn trong ngành Cao su ở Hà Nội và Sài Gòn đành nhận lấy nỗi đau này để bạn ra đi thanh thản.
Phùng Văn La – Thanh La ơi, dù ra đi quá vội vã nhưng bạn cũng đã có thể hài lòng với một cuộc đời mình – một cuộc chơi tung hoành, dọc ngang; một cuộc sống có rất nhiều bạn bè và ngập tràn mơ ước về văn chương, nghệ thuật…
Hình ảnh của bạn sẽ sống mãi trong lòng người thân và bè bạn! Đó là hình ảnh của một con người chân thành, thủy chung, mộc mạc, luôn sống hết mình, trung thực với bạn bè và trung thực với cuộc đời này!
Phùng Văn La thân yêu ơi, chúc bạn bình yên về cõi Phật! Cầu cho linh hồn bạn được vãng sinh miền cực lạc.
Đức Dũng xin được đưa lại ở đây bài thơ đã viết tặng bạn và cô bạn gái có tên là Minh Quyên vào đêm 1/5/1982 từ quê hương Thanh Hóa của chúng ta như một nén tâm nhang để tiễn bạn lên đường!

Lúc 12h15 phút trưa hôm nay (ngày 02-4), nhà báo Phí Văn Điển ở Sài Gòn nhắn qua zalo, báo một cái tin dữ khiến tôi bàng hoàng không thể tin là sự thật: người bạn của chúng tôi, Phùng Văn La (bút danh Thanh La), nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cao su Việt Nam đã vĩnh biệt cõi đời này lúc 10h sáng. Mười phút sau, một người bạn khác cũng ở Sài Gòn là nhà báo, đại tá Phạm Văn Mấy gọi điện báo cái tin đau buồn ấy cho tôi và cũng gần như ngay sau đó là tin nhắn của anh bạn Mạnh Phát từ Bình Long gửi ra; rồi điện thoại của bạn Quốc Vụ từ Nha Trang gọi đến. Tất cả đều để báo cái tin đau buồn ấy. Đến 15h chiều nay, Mạnh Phát lại gửi cho tôi một bản cáo phó, trong đó ghi rõ: linh cữu Phùng Văn La quàn tại 101 Nguyễn Văn Thương, phường 25, Quận Bình Thanh, Tp HCM và đến 19h tối nay sẽ làm nghi thức nhập quan và phát tang.

Đau buồn quá! Vậy là người bạn thân yêu của chúng tôi đã ra đi. Mãi mãi!
Tôi và Phùng Văn La đã gặp nhau từ gần nửa thế kỷ trước. Năm 1976, tôi trúng tuyển và được vào học tại Khóa 21, Khoa Ngữ-Văn của Trường Đại học Tổng Hợp, Hà Nội. Ký thúc xá Mễ Trì, nơi tôi ở rất gần với Trường Đại học Ngoại ngữ, nơi La đang học tiếng Nga năm thứ ba. Giáp ranh giữa hai trường là một con đường nhỏ (nay là đường Lương Thế Vinh, quận Thanh Xuân, Hà Nội) với dãy quán nước tạm bợ. Đó là nơi chúng tôi đã gặp nhau, đã trở thành bạn bè, bắt đầu từ việc nhận ra giọng nói của người Thanh Hóa. Hỏi ra mới biết chúng tôi đều ở huyện Đông Sơn. La ở xã Đông Tiến, còn tôi ở xã Đông Tân. Gia đình tôi chỉ cách gia đình La vài cây số.
Tình bạn của chúng tôi đã bắt đầu từ ngày đó. Mỗi lần về quê ở Thanh Hóa, La thường đến nhà tôi và được bố mẹ tôi coi như con trong gia đình, có thể ăn, ngủ, đọc thơ, ca hát… ở đây như ở nhà của mình vậy.
Gần 50 năm qua, tình bạn của chúng tôi đôi khi cũng có những khoảng lặng, vài nốt trầm nhưng chưa bao giờ bị đứt đoạn. Tôi đã được chứng kiến tất cả những biến động trong cuộc đời của bạn, bắt đầu từ khi La mới ra mới trường, vào bộ đội và làm phiên dịch cho các sỹ quan người Nga tại Xuân Mai, Hà Tây cũ (năm 1980); sau đó là những năm tháng lang thang, phiêu dạt cho đến khi trở thành cán bộ của ngành Cao su Việt Nam ở Tp Hồ Chí Minh; rồi lấy vợ, sinh con và sống hết mình với bạn bè báo chí, văn nghệ sỹ ở Sài Gòn…
Tôi ở Hà Nội nhưng do điều kiện đặc thù của công việc, những năm qua tôi và La đã gặp nhau rất nhiều lần, khi thì ở Hà Nội, lúc ở Tp Hồ Chí Minh. Phùng Văn La là một con người chân thành, nhiệt huyết và luôn hết lòng với bạn bè! Anh viết văn, viết báo, thích làm thơ và đọc thơ. Mỗi lần gặp nhau, anh lại đọc cho tôi nghe những tác phẩm mới của mình – những tác phẩm được viết ra bằng sự hồn nhiên, chân thành có pha chút ngây thơ… La có lối đọc thơ rất đặc biệt, ngân nga như hát, như khóc và nhiều khi anh vừa đọc thơ vừa khóc thật sự.
Trong lần gặp nhau gần đây nhất, tôi và La đã ngồi lai rai tại một quán vỉa hè ở quận Bình Thạnh. Hôm ấy trời Sài Gòn mưa như trút nước. La tặng tôi tập thơ “Tình ca cao su” của anh viết về ngành Cao su rồi ân cần rót rượu cho tôi bằng bàn tay run run. Tôi không hiểu anh mắc bệnh gì, chỉ biết nhắc bạn nên cẩn thận giữ gìn sức khỏe… Hôm ấy, anh không đọc thơ như mọi lần.
Không thể ngờ được đó lại là lần gặp nhau cuối cùng của chúng tôi.
Từ nay, tôi sẽ không bao giờ còn được bàn tay run run ấy rót rượu cho nữa!
Từ nay, những người bạn thân thiết của anh sẽ không bao giờ còn được nghe cái giọng đọc thơ ngân nga như hát, như khóc ấy nữa!
***
Kỷ niệm về tình bạn của chúng tôi qua gần nửa thế kỷ thì có rất nhiều! Trong đó, có một chuyện từ 40 năm trước (năm 1982), khi tôi đang là phóng viên của Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Thanh Hóa. La từ Sài Gòn viết thư cho tôi bày tỏ mong muốn tôi viết tặng anh và người bạn gái mới quen tên là Minh Quyên một bài thơ. Chiều ý bạn, tôi đã viết một bài thơ nặng trĩu tâm sự có tựa đề: “Thơ gửi về thành phố” và gửi cho bạn. Nhiều năm sau, La vẫn thường đọc cho bạn bè ở Sài Gòn nghe bài thơ ấy. Và lần nào đọc, La cũng khóc.
Năm 2023, tôi đã đưa bài thơ ấy vào trong phần III Tuyển tập của mình. Hôm nay, trong cái ngày định mệnh mồng 2 tháng Tư này, tôi ngồi một mình ở quê hương Thanh Hóa để thương nhớ bạn. Tôi đọc lại bài thơ cũ để tiễn bạn về cõi vĩnh hằng; tôi nhớ lại hình ảnh bạn vừa khóc vừa đọc thơ. Lần nào cũng thế, khi đọc đến bốn câu thơ: “Vạt áo xưa còn rách giữa trang thơ/ Bạn chia tay tôi hăm hở về thành phố/ Hành lý mang theo có một bài thơ nhỏ/ Nhưng bài thơ sẽ nói được điều gì?” là bạn lại khóc… Tôi nhớ lại và bây giờ tôi cũng đang khóc cùng với bạn đây!
Phùng Văn La ơi, bạn yên nghỉ nhé!. Chúng tôi, những người đã sống cùng bạn, đã cãi cọ, châm chọc bạn; đã chia ngọt sẻ bùi với bạn; đã nghe bạn đọc thơ và đã yêu quý bạn… xin được cầu chúc cho linh hồn bạn sớm được siêu thoát.
Đức Dũng cùng với các anh Phí Văn Điển, Phạm Văn Mấy, Mạnh Phát, Quốc Vụ và rất nhiều bạn bè văn nghệ sỹ, báo chí cùng với anh em, đồng đội của bạn trong ngành Cao su ở Hà Nội và Sài Gòn đành nhận lấy nỗi đau này để bạn ra đi thanh thản.
Phùng Văn La – Thanh La ơi, dù ra đi quá vội vã nhưng bạn cũng đã có thể hài lòng với một cuộc đời mình – một cuộc chơi tung hoành, dọc ngang; một cuộc sống có rất nhiều bạn bè và ngập tràn mơ ước về văn chương, nghệ thuật…
Hình ảnh của bạn sẽ sống mãi trong lòng người thân và bè bạn! Đó là hình ảnh của một con người chân thành, thủy chung, mộc mạc, luôn sống hết mình, trung thực với bạn bè và trung thực với cuộc đời này!
Phùng Văn La thân yêu ơi, chúc bạn bình yên về cõi Phật! Cầu cho linh hồn bạn được vãng sinh miền cực lạc.
Đức Dũng xin được đưa lại ở đây bài thơ đã viết tặng bạn và cô bạn gái có tên là Minh Quyên vào đêm 1/5/1982 từ quê hương Thanh Hóa của chúng ta như một nén tâm nhang để tiễn bạn lên đường!

 

THƠ GỬI VỀ THÀNH PHỐ

(Tặng bạn Phùng Văn La)

 

1.Câu hát

Câu hát nào bạn đã hát cùng tôi?

đã qua tuổi hai mươi khờ dại

hai đứa ở hai đầu

                           xa,

                                 và trống trải…

 

Câu hát này từ miền quê của tôi

và ngày xưa cũng là của bạn

có khoai lúa nhọc nhằn

áo mẹ vá vai, cha lưng trần chân đất…

 

Câu hát này – giọt máu réo từ tim

tôi gửi đến góc trời thành phố

chập trùng vậy, rất nhiều thương nhớ

vui buồn thuở chúng mình xưa …

 

Tôi vẫn nghèo và tôi vẫn làm thơ

như cánh chim trong chiều tuyệt vọng

ơi những bài thơ một thời ta đã sống

bây giờ xao xác tìm nhau !…

 

  1. Hiện thực

Vạt áo xưa còn rách giữa trang thơ

bạn chia tay tôi, hăm hở về thành phố

hành lý mang theo có một bài thơ nhỏ

nhưng bài thơ sẽ nói được điều gì?…

 

Có thể đôi lần bạn nhớ về quê

mùa Hạ chói chang, mùa Đông buốt giá

chiều vắng lặng câm mắt buồn thôn nữ!

 

Những nẻo đường hiu hắt vầng trăng

Manh áo mỏng

                     tôi đạp xe tìm kỷ niệm

Với một ngày xưa rất nhiều thương mến!

Bạn xa rồi

                   còn nhớ một thời ta?

 

Năm tháng hao mòn dần những mộng mơ

cả tiếng đàn xưa cũng nhiều chua chát

Dồn góp một đời kỷ niệm càng day dứt!

 

Tôi vẫn làm thơ, tóc bạc nhiều hơn

Còn mơ ước thì cứ lùi xa mãi

đã qua tuổi hai mươi khờ dại

Những mùa Đông nghe gió lạnh trong lòng!

 

Có bao giờ bạn nhớ quê hương?

heo hút làng quê

                những con đường không có điện?

sao trời rơi tả tơi trong lời hát

trăng lửng lơ như dấu hỏi vô tâm…

 

Những vần thơ cay đắng nhiều hơn

Bài hát cũ âu sầu giai điệu

đã qua tuổi hai mươi khờ dại

tìm tương lai trong đêm mênh mông…

 

Có bao giờ bạn nhớ trời quê không?

Tiếng còi buồn hơn khi con tàu qua sông Mã

quê hương đấy – bài thơ rất cũ

Nhọc nhằn thương nhớ một mình thôi!…

 

  1. Viết cho người chưa gặp

(Tặng Minh Quyên)

Nếu có một lần em hình dung về tôi

Sẽ thất vọng bởi những điều rất cũ

Miền quê ấy rơm rạ vàng lối ngõ

Lúa khoai nghèo, nghèo cả những mộng mơ

 

Đã có một thời tôi cũng làm thơ

cũng đuổi bắt bướm vàng trên cỏ

cũng thả diều lên khoảng trời không của riêng ai cả

khi diều đứt dây

                          tôi bỗng hiểu cuộc đời…

 

Những ngọt ngào, chua chát, những buồn vui

Như muối mặn tan trong biển rộng

Sẽ lại xanh thôi, đại dương cuộn sóng

Ghềnh đá vô tâm chẳng nói được gì đâu?

 

Cứ ngọt ngào nỗi nhớ về nhau

Cứ lãng mạn như sóng trào trên cát

Khi nghe tiếng trái tim mình đã hát

đừng chối từ dù rơi lệ vì yêu!

 

Em muốn biết câu thơ nào là máu

Hãy soi lên nhịp đập trái tim đau!

 

4.Vĩ thanh

 Một miền quê vẫn nhớ người đi

cây lúa vẫn hát lời của lúa

như máu trong tim bao giờ cũng đỏ

Và bài thơ chẳng nói dối bao giờ.

 

Tôi vẫn nghèo và tôi vẫn làm thơ

Dẫu lắm đắng cay, ngọt bùi, dâu bể

Một chút nỗi niềm gửi về thành phố

Dù biết bài thơ chẳng nói được gì đâu!

 

Kỷ niệm cũ bây giờ là hoài niệm

Sao cứ về day dứt mãi trong nhau?

 

Đêm 02-4-2024

Đ.D.

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *