TA ĐÃ LÀM CHI ĐỜI TA?

TA ĐÃ LÀM CHI ĐỜI TA?
Chẳng hiểu lý do gì mà bỗng nhiên lâu nay trong tâm trí mình lại cứ ám ảnh cái câu hỏi giống tên một cuốn sách của thi sĩ tiền chiến Vũ Hoàng Chương xuất bản từ cách đây đã 46 năm: “Ta đã làm chi đời ta?”.
Ta đã làm chi đời ta – Cuộc đời mà cha mẹ đã cho ta từ hơn 60 năm trước?
Mẹ ta kể: bà đã sinh ra ta trong một ngày mưa. Trong những món quà mừng, cái quý nhất là một lọ pê-nê-xi-lin đựng đầy mật ong để đánh tưa lưỡi cho ta. Rồi những tháng năm ta lớn lên trong căn nhà mái rạ, nền đất, lớn lên trong những điệu Nam ai, Nam đảo từ tiếng nhị lẻ loi, buồn day dứt của Cha; lớn lên từ bao nỗi nhọc nhằn của mẹ.
Cái tài sản lớn nhất mà cha mẹ để lại cho ta là tình thương yêu và mong ước ta sẽ trở thành một con người tử tế.
Nhưng ta đã làm chi đời ta – Cuộc đời mà Cha-Mẹ đã dành dum cho ta từ những đêm cả nhà bị dân quân của xã đuổi ra khỏi cái góc nhỏ dưới mái hiên đình làng vì cả Cha và Mẹ là người lưu lạc từ nới khác đến; từ lúa-ngô-cua ốc; từ cái ước mơ nhỏ nhoi là ta sẽ có một cuộc sống không bần cùng như cuộc đời của Cha-Mẹ….
Học xong đại học, về quê làm việc ở Đài phát thanh tỉnh, ta lặn lội đạp xe khắp nơi để viết báo; ta viết và đóng kịch truyền thanh; ta dàn dựng chương trình văn nghệ cho các địa phương; ta cầm đàn phục vụ các đám cưới và đứng trên các loại sân khấu văn nghệ quần chúng, sẵn sàng viết những ca khúc thuộc loại “huyện ca”, “xã ca”… miễn là có chút tiền.
Còn nhớ một cái Tết nào đó, trong ngày cuối cùng của năm cũ, từ một huyện miền núi, ta hộc tốc đạp xe qua 40 cây số về nhà, đem về 2 kg thịt lợn và 1 cân đậu xanh. Đó là nhuận bút của ca khúc “Mùa mía đợi chờ” do một nông trường trồng mía chi trả. Không bao giờ quên được ánh mắt của Cha khi nhận được món quà đó. Ông rưng rưng thốt lên: “Thế là có Tết rồi con ơi! Nhà ta vẫn chưa gói bánh chưng vì không có thịt với đậu”…
Đã hơn 40 năm rồi, bây giờ nhớ lại chuyện ấy, vẫn còn chảy nước mắt…
Rồi tiếp đó là những nỗi nhọc nhằn qua hàng chục năm, tưởng như không bao giờ hết. Ta đã viết như trăng trối; viết như một kẻ lên cơn thần kinh, chỉ chịu dừng lại khi đã kiệt sức trên chiếc máy chữ cũ kỹ – cái máy chữ mua rẻ được bằng 2/3 tiền nhuận bút của cuốn sách truyện đầu tiên …
Với cái máy chữ ấy, ta đã viết ra những truyện trinh thám căng thẳng, hồi hộp; rồi ta viết tiểu phẩm châm biếm để cù những người đọc cũng nghèo như ta… Họ cười để quên đi những nhọc nhằn của cuộc sống nghèo nàn thời ấy…
Bây giờ nhìn lại, có lẽ những năm có nhiều ý nghĩa và đáng tự hào nhất lại chính là những tháng năm ấy – khi ta phải vật lộn để kiếm sống bằng nghề viết, phải nhặt nhạnh từng đồng nhuận bút để lo cho cái gia đình nhỏ với những đứa con nhỏ. Những năm cuối đời tuy cũng có chút công danh, có chút quyền lực đấy, nhưng ta cũng đã phải trả giá quá nhiều vì những thứ phù du ấy. ta đã nhiều khi trở thành người khác và cũng đã có những lúc đánh mất mình…
Bây giờ thì Cha Mẹ đã đi xa lắm rồi. Ta chỉ còn có thể thể hiện lòng biết ơn của mình qua những ca khúc. Nhưng chỉ viết được về Mẹ, còn với Cha, vẫn chưa viết được. Cha đã ra đi từ 35 năm trước – đúng vào cái năm con gái đầu của ta ra đời. Tình yêu thương của Cha mênh mông. Cha đã để lại cho ta quá nhiều, nhiều đến mức không biết phải làm thế nào cho xứng với những điều mà ông đã để lại.
Đã đi gần hết cuộc đời rồi. Bây giờ, ngồi nhìn mưa rơi qua khung cửa sổ trong một buổi chiều mùa Thu lành lạnh, cứ thấy lòng mình trống trải. Và cái câu hỏi không thể trả lời ấy lại trở về, ám ảnh trong tâm trí: “Ta đã làm chi đời ta – Ta đã làm chi với cái cuộc đời mà cha mẹ đã cho ta từ hơn 60 năm trước?”…
Ngày 4/10/2020
LTKT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *