Nén tâm nhang dâng lên linh hồn những người đã ngã xuống vì Tổ quốc

Nén tâm nhang dâng lên linh hồn những người đã ngã xuống vì Tổ quốc

  

(QT) – “Ru mẹ” là một trong những ca khúc được lựa chọn để biểu diễn tại Chương trình nghệ thuật “Khát vọng thống nhất” diễn ra tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, do Báo Nhân Dân, TTXVN phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức, nhân kỉ niệm 44 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975 – 2019); 47 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị 1/5 (1972-2019) và 30 năm tỉnh Quảng Trị lập lại 1/7 (1989-2019). Bài hát (do ca sĩ Đại Hải thể hiện) đã tạo ra những ấn tượng sâu đậm, sự xúc động, tự hào của người dân Quảng Trị và công chúng xem truyền hình cả nước. Phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc trò chuyện với PGS,TS, Nhạc sĩ ĐỨC DŨNG, nguyên Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Truyền hình Nhân dân, Báo Nhân Dân, là tác giả của ca khúc này.

 

– Thưa nhạc sĩ Nguyễn Đức Dũng! Có thể thấy bài hát “Ru mẹ” của ông đã chạm sâu tới những tình cảm thiêng liêng về tình mẫu tử và tình yêu Tổ quốc. Bài hát đã đem lại cho người nghe những cảm xúc vừa riêng tư, vừa hào hùng mạnh mẽ. Xin ông vui lòng cho biết về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm này?

 

– Năm 2017, nhân dịp Ngày chiến thắng 30/4, Báo Nhân Dân phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức chương trình nghệ thuật “Quảng Trị – Kí ức những dòng sông”. Khi đó, tôi được cử làm Tổng đạo diễn chương trình này để phát trên sóng Truyền hình Nhân Dân.

 

Trước khi tôi lên đường đi Quảng Trị, ca sĩ, NSƯT Lương Huy có đề nghị tôi cố gắng tìm cảm xúc để viết cho anh một ca khúc về chủ đề thương binh, liệt sĩ. Trong chuyến đi đó, chúng tôi đã đến thắp hương ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, Thành Cổ Quảng Trị và một số địa điểm khác… Hôm đó, khi đang thắp hương ở Nghĩa trang liệt sĩ huyện Triệu Phong, nơi có phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Huy, phóng viên Báo Nhân Dân, thì cảm xúc đã bật lên, giai điệu ùa tới, đem lại cho tôi ca khúc này. Giai điệu và ca từ đã hình thành rất rõ ràng ngay từ những câu đầu tiên: “Đất ân tình che chở cho con. Cỏ cây quê hương quây quần bên nấm mộ. Đồng đội về đây vẫn thành đội ngũ. Gió lạnh quê nhà mẹ đã có áo bông?”…

 

Ca khúc “Ru mẹ” đã ra đời ngay trong chuyến công tác ấy, ngay trên mảnh đất Quảng Trị thiêng liêng. Tôi luôn tin rằng linh hồn của các liệt sĩ và những cảm xúc mạnh mẽ khi đứng trên mảnh đất Quảng Trị đau thương và hào hùng đã giúp tôi hoàn thành được tác phẩm ấy.

 Phần mộ liệt sĩ Nguyễn Huy (thứ 2 bên trái sang)

tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Triệu PhongẢnh: T.T.L

 

-“Con lại về ru mẹ đêm nay – Bấy nhiêu năm rồi con vẫn mười tám tuổi”… Những chàng trai, cô gái ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, đã anh dũng hi sinh. Rồi linh hồn họ đêm đêm lại trở về với mẹ. Còn người mẹ dù đã nhận được tin báo con đã hi sinh nhưng suốt bao nhiêu năm, chiều nào cũng ra bờ sông, nơi bến đò tiễn con đi ngày đó để ngóng đợi con. Những hình ảnh đấy trong ca khúc trở thành một hình tượng âm nhạc cứ làm day dứt người nghe. Xin nhạc sĩ nói rõ hơn về điều này?

 

– Đúng là một hình ảnh buồn. Rất buồn! Ngay cả bây giờ, mỗi khi tưởng tượng lại hình ảnh ấy, tôi vẫn trào nước mắt. Trong hình ảnh đó có mẹ tôi, mẹ của các anh chị ở thế hệ chúng tôi. Họ vẫn chờ đợi những người con từ chiến trường trở về với một sự nhẫn nại thiêng liêng, một sự bướng bỉnh kiên cường chỉ có thể có ở những người mẹ. Đó là một niềm hi vọng dù mong manh nhưng không bao giờ tắt.

 

Liệt sĩ Nguyễn Huy là phóng viên chiến trường của Báo Nhân Dân, sinh ngày 15/4/1940 tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Quê quán của liệt sĩ Nguyễn Huy ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Anh nhập ngũ tháng 7/1967 và anh dũng hi sinh vào ngày 28/6/1968 tại chiến trường Quảng Trị, khi tròn 28 tuổi.​

Năm tháng đã làm cho lưng mẹ còng đi, mắt mẹ mờ hơn, nhưng niềm tin ấy thì vẫn không bao giờ hao mòn theo thời gian. Mẹ vẫn chờ con cho đến những giây phút cuối cùng. Mẹ không thể chấp nhận rằng đứa con mình rứt ruột đẻ ra đã không còn nữa. Bởi vì con của mẹ vẫn đang sống trong tâm trí mẹ, sống động ngay bên cạnh mẹ, ngay trong căn nhà của mẹ. Tình mẫu tử thiêng liêng như thế đấy. Cao cả lắm! Nhưng cũng đau đớn lắm! Và những những người lính trẻ cũng hiểu rõ điều đó. Họ thương nhớ mẹ. Linh hồn những người con đã hi sinh đêm nào cũng lặng lẽ trở về bên mẹ, lặng lẽ hát ru mẹ bằng những lời ru mà mẹ đã ru mình từ thuở ấu thơ.

 

– Trong bài hát “Ru mẹ”, hình ảnh người mẹ liệt sĩ được nhắc đến rất nhiều lần. Mỗi câu từ đều gợi lên hình ảnh người mẹ đau thương và cao cả. Bằng việc xây dựng nên hình tượng ấy, tác giả muốn nói về tình mẫu tử thiêng liêng, về sự hiếu nghĩa của những người con cũng như trách nhiệm và lòng trung hiếu với Tổ quốc?

 

– Ở cái tuổi mười bảy, mười tám, những người lính thế hệ ấy có thể nhiều người còn chưa biết yêu. Nhưng họ có mẹ. Những lời ru của mẹ vẫn còn nguyên vẹn trong kí ức của những chàng trai cô gái còn rất trẻ. Họ hi sinh, thân thể họ hóa thành đất đai cho Tổ quốc. Còn linh hồn họ thì trở về với mẹ, với căn nhà nhỏ nơi tuổi thơ đã thấm đẫm những lời ru của mẹ.

 

Trong câu chuyện này, tình mẫu tử thiêng liêng, sự hiếu nghĩa và lòng trung hiếu với Tổ quốc đã hòa quyện với nhau. Chính điều đó đã làm nên sự trường tồn của Tổ quốc chúng ta, của tâm hồn Việt.

 

– Kết thúc bài phỏng vấn này, nhạc sĩ có muốn nói thêm điều gì với những người đã yêu mến tác phẩm “Ru mẹ” của ông?

 

– Xin cảm ơn tất cả mọi người đã yêu mến và ghi nhận tác phẩm “Ru mẹ”. Tác phẩm này là của tất cả chúng ta, là nén tâm nhang dâng lên linh hồn những người đã ngã xuống vì Tổ quốc. Nhân đây, tôi cũng xin được gửi lời cảm ơn đến ca sĩ Đại Hải, người đã thể hiện rất thành công bài hát này.

 

– Xin cảm ơn nhạc sĩ!

 

Trần Tú Linh (thực hiện

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *