ĐỨC DŨNG – NHỮNG GIAI ĐIỆU CỦA MỘT NHÀ GIÁO, NHÀ BÁO

 ĐỨC DŨNG – NHỮNG GIAI ĐIỆU CỦA MỘT NHÀ GIÁO, NHÀ BÁO

 Nhạc sỹ Nguyễn Việt

 

Trước đây tôi chưa hề gặp và quen biết tác giả Đức Dũng mà chỉ được biết về anh qua nhiều trang tiểu thuyết ly kỳ, với một bút danh cũng ly kỳ như những trang tiểu thuyết của anh: “Lam Thanh Kỳ Tử”.

Rồi Đức Dũng vào tham gia giảng dạy lớp Đại học Báo chí tại chức của tỉnh Thừa Thiên Huế. Tôi được gặp anh, biết tên thật của anh cùng những tài hoa còn ẩn chứa nhiều ở trong con người có vẻ ngoài phong trần, lãng tử nhưng vẫn hiện ra rõ bản tính chân chất, bình dị của con người xứ Thanh.

Quả thật Đức Dũng là một con người tài hoa thực sự. Chưa phải là hội viên Hội nhà văn (mà hình như anh cũng chẳng mấy quan tâm đến chuyện này), vậy mà Đức Dũng đã có trong tay gần 20 cuốn tiểu thuyết, tập truyện ngắn do nhiều nhà xuất bản ấn hành. Trong đó, có nhiều nhà xuất bản có tiếng như Nhà xuất bản Hội nhà văn với tiểu thuyết “Lời nguyền trong đá”, Nhà xuất bản Lao Động với tiểu thuyết “Người đàn bà trong ngõ hẻm” và tập truyện châm biếm “Ôi, phong bao!”. Nhà xuất bản Thông tin với tiểu thuyết “Hoàng hôn màu máu” và tập sách Các thể Ký báo chí và nhiều cuốn sách nghiên cứu lý luận báo chí khác nữa.

Bên cạnh viết văn, Đức Dũng còn viết báo và chụp ảnh, cả chụp ảnh báo chí lẫn ảnh nghệ thuật. Khó có thể kể hết những bài báo và ảnh của anh đã đăng trên báo chí. Nhiều bạn bè của anh đã từng khẳng định với tôi: Đức Dũng thực sự là một người sống bằng nghề viết. Ngoài những giờ giảng dạy ở trên lớp, Đức Dũng luôn luôn ngồi bên cái máy chữ nhỏ của anh ở tại nhà riêng và gõ liên hồi.

Ấy thế mà chưa hết. Sau chừng đó nhà: nhà văn, nhà nhiếp ảnh, nhà báo, nhà giáo, Đức Dũng còn viết ca khúc. Tôi thực sự ngạc nhiên khi nghe anh hát một số sáng tác của mình, Anh không chỉ viết mà còn hát, đàn khá hay. Anh trình bày những ca khúc của mình như một nhạc sĩ thực thụ. Hầu hết các ca khúc của Đức Dũng đều là những bài hát viết về cuộc sống quanh anh, nhưng nhiều nhất vẫn là những bài hát viết về quê hương và tình yêu. Âm nhạc của anh trong hầu hết các ca khúc đều mang âm hưởng dân ca Thanh-Nghệ-Tĩnh, một số bài mang âm hưởng dân ca Nam Bộ và đâu đó cũng có những bài mang âm hưởng dân ca Bắc Bộ.

Tiếp thu những tinh túy của dân ca đưa vào sáng tác âm nhạc, thì không phải bất kỳ một người sáng tác âm nhạc nào cũng có thể làm được. Vậy mà với Đức Dũng, một cây viết có tính cách tài tử thì anh lại khai thác được nhiều chất liệu dân ca một cách rất tự nhiên, như thể những làn điệu dân ca của quê hương đã thấm sâu trong máu thịt và tâm hồn của anh từ thuở thiếu thời vậy.

Tuy giai điệu và tiết tấu còn có phần đơn giản, ít có biến đổi về khúc thức để tạo nhiều cái mới, nhưng ca khúc của Đức Dũng vẫn dễ đi vào lòng người nghe, bởi những âm điệu dân dã mộc mạc và giai điệu mượt mà và không bị gò bó bởi kỹ thuật.

Bài hát “Màu xanh đợi chờ” sau đây của anh là một thí dụ khi anh viết về một kỷ niệm bên một đồi mía ven một con sông của quê hương: Mùa mía đến trên quê hương ta/ Anh ở đâu bao tháng ngày qua?/ Còn nhớ nữa lời xưa đã hẹn/ Hay quên rồi dòng sông năm nao?

Lời ca bình dị mà xúc động lạ lùng. Cũng với một hoài niệm như ở “Màu xanh đợi chờ”, trong ca khúc “Làng biển của tôi” (phổ thơ của Đỗ Xuân Thanh) Đức Dũng đã thể hiện sâu hơn và khắc họa đậm nét hơn hình tượng văn học của lời thơ. Ở ca khúc này, với hình thức hai đoạn, khúc thức âm nhạc phát triển chặt chẽ và lời thơ được xây dựng trên một giai điệu hợp lý. Có thể khẳng định là Đức Dũng đã thành công với loại ca khúc phổ thơ không phải dễ dàng này.

Với những người sáng tác âm nhạc, viết được ca khúc phổ thơ hay không phải là điều dễ, dẫu biết đa số các bài thơ hay đều đã có chất nhạc và tính nhạc. Nhưng nắm bắt được chất nhạc và khai thác nó một cách thành công là hai chuyện khác nhau.

Cũng như “Làng biển của tôi”, ca khúc “Biển trong anh” Đức Dũng phổ thơ của tác giả Thuận Hữu cũng là một ca khúc hay. Nhưng nếu như ở “Làng biển của tôi”, anh đã thành công ở hình thức âm nhạc hai đoạn với khúc thức khá chặt chẽ như đã nói ở trên thì ở ca khúc “Biển trong anh” lại thành công hơn ở việc vận dụng chất liệu dân ca trong ca khúc mới.

Cuối cùng, trở lại với tính cách sáng tạo của nhà giáo, nhà báo Đức Dũng, tôi muốn nói thêm khía cạnh tâm hồn nghệ sĩ ở anh. Chỉ vào công tác ở Huế có nửa tháng, nhưng Đức Dũng đã theo dõi khá kỹ những hoạt động văn hóa, văn nghệ của Huế cả trên báo chí và trên các đài phát thanh truyền thanh và truyền hình.

Khi nghe một số chương trình Câu lạc bộ Âm nhạc truyền thanh của Đài phát thanh Thừa Thiên Huế, anh đã gửi ngay cho chương trình một số sáng tác của mình. Rời Huế không lâu, Đức Dũng lại gửi vào cho chương trình một sáng tác mới viết về Huế. Những bài ca với những giai điệu đẹp của anh không chỉ là tâm tình của anh đối với quê hương, đất nước và với Huế nói riêng, mà còn cho thấy sức lao động sáng tạo nghệ thuật của anh thật đáng trân trọng.

Ca khúc “Gửi người ở Huế” một sáng tác của Đức Dũng đã được giới thiệu trong mục “Tình khúc Huế” của báo Thừa Thiên Huế cuối tuần, tháng 6-1999. Cùng với các ca khúc Làng biển của tôi”, “Biển trong anh”, “Mùa mía đợi chờ”,  “Gửi người ở Huế” (được thể hiện qua giọng hát của Mỹ Lệ ) đã được phát sóng trong một chương trình Câu lạc bộ Âm nhạc truyền thanh của Đài phát thanh Thừa Thiên Huế. Đó là sự ghi nhận của Huế đối với những giai điệu ân tình của của một nhà giáo, nhà báo có tài năng âm nhạc.

Tháng 10-2000

N.V.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *