THÀ MUỘN CÒN HƠN KHÔNG
- Từ sau khi trở thành sinh viên Khóa 21, Khoa Ngữ-Văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1976-1980), tôi cũng bắt đầu tập tọng viết ca khúc, viết kịch, tập làm thơ. Những năm sau, khi đã trở thành phóng viên, biên tập viên của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thanh Hóa, tôi vẫn tiếp tục làm thơ, viết truyện ngắn, sáng tác ca khúc, viết kịch truyền thanh, câu chuyện truyền thanh… nhưng hoàn toàn xa lạ với đề tài trinh thám.
Năm 1986, tôi vào học Đại học Báo chí Khóa 6 tại Khoa Báo chí, Trường Tuyên huấn Trung ương I, Hà Nội. Một hôm, anh Vũ Quang Trạch là bạn học cùng khóa nói với tôi:
-Ông viết nhiều, tại sao không khai thác tư liệu chỗ bà xã mà viết truyện vụ án? Món đó dạo này ăn khách lắm!
Đúng như anh bạn tôi nói, ở giai đoạn này, báo Công an Nhân Dân vẫn còn lưu hành nội bộ (phải đến tháng 8-1988 báo Công an Nhân Dân mới được Bộ Thông tin (nay là Bộ Thông tin & Truyền thông) cho phép phát hành công khai, mỗi tuần một số với đối tượng bạn đọc là “cán bộ, chiến sĩ Công an và nhân dân cả nước” và đến ngày 04-10-1988, số Báo Công an Nhân Dân ra công khai đầu tiên mới chính thức đến tay bạn đọc cả nước). Do đó, các bài tường thuật vụ án được đăng tải trên một số tờ báo ngoài ngành Công an khi đó luôn nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của đọc giả.
Trong khi tôi đang đắn đo suy tính thì anh Trạch nói tiếp:
-Tớ có thằng bạn làm Biên tập viên ở báo Tuần tin tức (của Thông tấn xã Việt Nam). Nó bị ốm, đang nằm trong Bệnh viện E. Cậu sang đó thăm nó với tớ, tớ giới thiệu hai người làm quen rồi khai thác tài liệu ở cơ quan bà xã mà viết, nó đăng cho.
Anh Trạch nói vậy vì biết vợ tôi đang làm việc ở Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Tuy nhiên, tôi không muốn nói thật với anh là từ trước đến nay, tôi chưa bao giờ khai thác được tư liệu nào ở cơ quan vợ để viết bài. Lý do rất đơn giản: một người ngoài ngành Kiểm sát như tôi thì không ai cho khai thác hồ sơ các vụ án. Nghĩ vậy nhưng tôi vẫn gật đầu đồng ý và hôm sau cùng anh ấy sang bệnh viện E.
Không ngờ chuyện tưởng như ngẫu nhiên ấy lại là một sự kiện đánh dấu sự bén duyên của tôi với cái đề tài tưởng như rất xa lạ này – truyện trinh thám.
Để thử viết một truyện trinh thám (mà cách gọi phổ biến ở thời điểm ấy là “Chuyện vụ án”) để gửi cho báo Tuần tin tức, tôi nhờ một anh bạn làm việc ở Bộ Công an cho mượn báo Công an Nhân Dân để đọc. Cũng khó khăn lắm, anh ấy mới cho tôi mượn vài tờ báo với yêu cầu là “không được làm rách, làm mất; đọc xong phải gửi trả lại ngay”.
Lần đầu tiên được đọc báo của ngành Công an, tôi thực sự bị cuốn hút không chỉ do nội dung các vụ án đã xảy ra trong thực tế được tường thuật lại mà còn do được làm quen với các thuật ngữ chuyên ngành như: “Ban chuyên án”, “trinh sát”, “đặc tình”, “đối tượng”, “tội phạm” v.v. Tuy nhiên, do khuôn khổ và số trang của tờ báo có hạn, mỗi tuần lại chỉ có một số nên các bài tường thuật vụ án thường chỉ dao động từ vài trăm đến nghìn chữ; chỉ có vụ việc nào phức tạp, quan trọng mới kéo dài 2, 3 kỳ trên báo. Ngoài ra, do cách viết chủ yếu là “tường thuật”, là kể lại nên cũng có phần đơn điệu nếu xét về phương diện thể loại.
Mặc dù vậy, tôi đã đọc rất kỹ từng bài viết đăng trong tất cả những tờ báo Công an Nhân dân mượn được. Trong đó, tôi đã may mắn gặp được một câu chuyện tuy ngắn gọn (khoảng 800 chữ) nhưng có nội dung có thể tiếp tục phát triển thành truyện dài kỳ. Đó là một bài tường thuật vụ án có tiêu đề: “Những kẻ đuổi bắt đã bị bắt” (tôi không còn nhớ tên tác giả). Có thể tóm tắt nội dung của bài báo này như sau:
Một nhóm tội phạm ở TP. Hồ Chí Minh tổ chức một cuộc vượt biên giả. Chúng thu tiền, vàng của những người muốn vượt biên và dùng xe khách đưa họ đến một bãi biển hoang vắng. Đồng thời, chúng cử một tên đóng giả là công an từ TP. Hồ Chí Minh đang đuổi theo những người vượt biên, tìm đến cơ quan Công an huyện nơi có vùng biển này để yêu cầu phối hợp bắt giữ. Tuy nhiên, khi tiếp nhận tin báo, vì thấy có những dấu hiệu đáng ngờ, Công an huyện đã giữ tên này lại, đồng thời cử lực lượng đến vùng biển nọ để mai phục. Kết quả là họ đã bắt được một chuyến xe chở mấy chục người định vượt biên cùng những tên tổ chức vượt biên giả ở một bãi biển trên địa bàn huyện.
Tôi đã phát triển câu chuyện này thành một truyện nhiều kỳ với tiêu đề: “Bí mật Hội Thập”. Sau đó, truyện đã được đăng 6 kỳ trên báo Tuần Tin tức. Phần đầu của truyện thì về cơ bản giống như nội dung của bài báo “Những kẻ đuổi bắt đã bị bắt”. Phần nối tiếp là: ở vùng biển nơi Công an huyện đã bắt được những người vượt biên và những kẻ tổ chức vượt biên giả có một hòn đảo tên là Hòn Chẫu. Đây là nơi cất giấu tiền, vàng của một băng nhóm tội phạm có tên là “Hội Thập”, vốn đã hoạt động ở Sài Gòn và các tỉnh miền Nam từ trước năm 1975. Sau khi nhận được tin báo, kẻ cầm đầu Hội Thập tên là Lý Tẩu đã quyết định cho di chuyển số tiền, vàng này đi nơi khác. Trong quá trình di chuyển ấy đã xảy ra đụng độ khốc liệt giữa các thành viên trong hội Thập. Cái kết của truyện là: toàn bộ số của cải ấy đã bị cướp mất, còn Lý Nguyệt, cô con gái của Lý Tẩu thì bị đánh ngã xuống biển, không rõ sống chết ra sao…
Đây là truyện trinh thám đầu tay của tôi, được viết bằng bút mực trên loại giấy màu vàng, một mặt nhẵn, mặt kia thì ráp. Một tuần sau khi tôi gửi bản thảo đi thì nhận được lời nhắn của anh Trần Mai Hạnh, khi đó là Phó Tổng Biên tập Báo Tuần tin tức. Gặp tôi ở Tòa soạn, anh Hạnh chỉ hỏi một câu: “Chuyện thật hay bịa đây hả cậu?”. Tôi đã nói dối anh: “Chuyện thật đến 99 % anh ạ”. Anh hơi nhíu mày: “Thật mà ly kỳ, rùng rợn thế nhỉ?”. Tôi liếc nhanh tập bản thảo của tôi đang để trên bàn. Ở trang đầu, anh Trần Mai Hạnh đã ghi một dòng chữ lớn bằng bút mực: “Đánh máy ngay 02 bản, in tuần sau”. Tôi thở phào sung sướng.
“Bí mật hội Thập” đã được khởi đăng ngay sau đó và kéo dài trong một tháng rưỡi. Khoản nhuận bút của truyện là rất lớn so với mức thu nhập bèo bọt của tôi ở thời điểm đó. Nhưng điều quan trọng nhất là truyện đã thu hút được sự quan tâm của độc giả báo Tuần tin tức. Sau khi truyện đã đăng hết, một số độc giả còn viết thư về Tòa soạn để hỏi về số phận của cô gái có tên là Lý Nguyệt. Toàn soạn báo chuyển câu hỏi đó cho tôi. Anh Hoàng Dương, Thư ký Toàn soạn của báo gợi ý cho tôi là nên tiếp tục phát triển tiếp phần hai của câu chuyện này. Và thế là ít lâu sau, phần tiếp theo của “Bí mật Hội Thập” đã ra đời, được đăng tới 8 kỳ trên báo Tuần tin tức với tiêu đề: “Vết rắn độc”. Trong khi “Vết rắn độc” vẫn còn chưa đăng hết, tôi đã hoàn thành phần ba với tiêu đề: “Sa lưới”.
Mặc dù đây chỉ là truyện đầu tay nhưng sau đó “Bí mật hội Thập” đã được đánh giá là “truyện hình sự hay nhất năm 1986 của báo Tuần tin tức”. Ngay trong năm sau, Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh Lâm Đồng đã liên lạc với tôi và cho xuất bản mấy tập sách với các tiêu đề: “Bí mật hội Thập”, “Vết rắn độc”.
Những thành công này đã mở ra cho tôi một hướng đi mới: viết truyện trinh thám. Ngay trong năm 1987, tôi đã hoàn thành một tiểu thuyết và năm 1988 đã được Nhà xuất bản Thanh Hóa ấn hành dưới tiêu đề: “Theo vết con hạc cổ” với số lượng kỷ lục ở thời điểm ấy là 41.120 cuốn.
Có thể nói các năm từ 1987 đến 1992 là những năm “bội thu” của tôi về lĩnh vực này. Ngoài hàng chục truyện ngắn, truyện vừa được đăng tải trên rất nhiều tờ báo in khi đó (như: Pháp Luật, Hải Quuan, Thương nghiệp…), tôi đã viết được gần chục truyện dài, tiểu thuyết về đề tài trinh thám và đã được nhiều nhà xuất bản trong cả nước in và phát hành với số lượng lớn.
2. Ở thời kỳ mà tôi đang tập trung toàn bộ bút lực cho các truyện trinh thám cũng là thời kỳ có những quan niệm khá ấu trĩ, lệch lạc đã dẫn đến sự đối xử bất công với thể loại này.
Như đã nói ở trên, do báo Công an Nhân Dân chưa được phát hành công khai nên nhiều tờ báo in ở nước ta khi đó đã khai thác sức hấp dẫn của các bài “tường thuật vụ án”, “chuyện vụ án”. Do đây là những bài viết rất “ăn khách”, được công chúng quan tâm đón nhận nên một số người thường tự coi mình là những cây bút nghiêm túc tỏ ra không hài lòng. Hơn nữa, do tình trạng lạm dụng đề tài ăn khách này trên một số tờ báo cũng đã gây ra sự phản ứng. Điều đó đã dẫn đến tình trạng coi thường những tác giả, tác phẩm viết trinh thám. Người ta thậm chí còn không phân biệt giữa các khái niệm như “tường thuật vụ án”, “chuyện vụ án” với truyện trinh thám và coi đây là loại đề tài “đâm, chém, cướp, hiếp”. Một số người công khai lên tiếng, coi đây là thứ “văn chương bán thành phẩm”, là “văn học hạng hai” và điều đáng buồn là tán thành với quan niệm ấu trĩ, sai lầm ấy không chỉ là một số người viết văn mà còn có những người trong giới nghiên cứu, phê bình văn học.
Tất nhiên, cá nhân tôi thì không nghĩ như vậy.
Ngay từ khi bắt tay vào việc viết truyện trinh thám đầu tiên, tôi đã tự trang bị cho mình một quan niệm rõ ràng về thể loại này. Tôi thấy rằng sự khác biệt giữa các hình thức tường thuật vụ án, chuyện vụ án với truyện trinh thám thực chất là sự khác biệt giữa tác phẩm báo chí và tác phẩm văn học. Do đó, không thể lấy những tiêu chí của lĩnh vực này để đánh giá những tác phẩm thuộc lĩnh vực khác và ngược lại. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng một bài tường thuật vụ án (hoặc một bài kể chuyện vụ án) nếu đáp ứng được các tiêu chí của tác phẩm báo chí (tính xác thực, tính thời sự, tính định hướng trực tiếp…) và có nội dung hấp dẫn, được kể lại một cách sinh động thì chắc chắn sẽ thu hút công chúng hơn hẳn so với rất nhiều truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết thuộc dòng “văn chương đích thực” nhưng vô bổ, tầm thường, nhạt nhẽo vốn xuất hiện nhan nhản ở thời kỳ đó. Tương tự như vậy, nếu muốn thu hút sự quan tâm của công chúng, một tác phẩm văn học trinh thám trước hết phải đáp ứng được các tiêu chí của tác phẩm văn học nói chung, phải hướng người đọc tới những giá trị Chân – Thiện -Mỹ thông qua những hình tượng thẩm mỹ tiêu biểu, điển hình…
Quan niệm của tôi là: dù là tác phẩm văn học hay tác phẩm báo chí, các hình thức thể loại luôn bình đẳng với nhau và bình đẳng trước cuộc sống, trước người đọc. Không có văn học hạng một hay hạng hai. Không có thể loại đàn em mà chỉ có tác giả đàn em.
Nhắc lại những điều này để thấy bản thân tôi và những người viết truyện trinh thám thời ấy luôn phải đứng trước những áp lực, trong đó có áp lực từ thái độ thiếu thiện chí, thiếu tôn trọng đối với thể loại và đề tài này. Điều đó đã ít nhiều triệt tiêu động lực cho sự sáng tạo. Tuy nhiên, tôi đã cố gắng vượt qua tất cả những áp lực đó để dốc toàn bộ bút lực cho các tác phẩm trinh thám của mình. Hơn nữa, vốn là một người viết ở nhiều thể loại khác nhau (truyện, ký, thơ, tiểu phẩm châm biếm, ca khúc…), bản thân tôi không hề thấy có sự khác biệt nào khi viết truyện trinh thám so với khi viết các thể loại khác. Từ những chất liệu có thật của đời sống (có thể được phản ánh qua các bài tường thuật vụ án, kể chuyện vụ án hoặc qua nhiều kênh thông tin khác nữa…), người viết trinh thám phải vận dụng trí tưởng tượng và các thủ pháp hư cấu nghệ thuật để xây dựng lên cốt truyện, nhân vật, tính cách; phải sáng tạo ra những nội dung mới để phản ánh cuộc sống một cách “đời” hơn, sinh động hơn, bản chất hơn. Đồng thời, người viết trinh thám phải biết khai thác, vận dụng những ưu thế riêng của đề tài để thu hút người đọc. Quá trình này được thực hiện một cách sáng tạo và tùy thuộc vào năng lực tổ chức tác phẩm của từng tác giả.
Sau này, khi tôi đã là tác giả của một số cuốn truyện trinh thám được xuất bản, lại có người hỏi tôi câu hỏi giống hệt như câu mà anh Trần Mai Hạnh đã hỏi sau khi đọc truyện “Bí mật hội Thập”. Lần này, tôi đã trả lời thành thực: “Chuyện này 99% là bịa”. Tuy nhiên, người hỏi vẫn tỏ ra băn khoăn: “Chuyện bịa mà sao có thể ly kỳ đến thế nhỉ?”.
Trước kia nói dối là “chuyện thật” thì người ta không tin đã đành, bây giờ nói thật là “chuyện bịa” người ta cũng cũng vẫn nghi ngờ. Khổ thế đấy?
3.Từ tháng 1/1990, sau khi trở thành giảng viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tôi đã dừng hẳn việc viết truyện dài và tiểu thuyết trinh thám để dồn sức cho công việc nghiên cứu lý luận báo chí. Tuy nhiên, tôi vẫn theo dõi mảng đề tài này và thực sự vui mừng khi thấy từ năm 1999 đến nay, Bộ Công an đã phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức thành công 4 cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”, đã thu hút hàng trăm nhà văn cả trong và ngoài lực lượng Công an Nhân dân tham gia, với hàng trăm tác phẩm dự thi và hiện nay đang tiếp tục tổ chức cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ V, giai đoạn 2022 – 2025.
Gần 25 năm trước, kể từ lần đầu tiên phát động cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” (1999), dòng văn học về đề tài an ninh trật tự và hình tượng người chiến sĩ công an đã ngày càng rõ nét trong dòng chảy của đời sống văn học nước nhà. Những cuộc thi không chỉ thu hút các nhà văn lớn tuổi tham gia, mà còn thu hút được nhiều cây bút trẻ và tạo ra một đội ngũ kế cận ngày càng được trẻ hóa.
Tuy nhiên, đây là cuộc thì chung cho nhiều thể loại (tiểu thuyết, truyện và ký), gắn với hình tượng người chiến sỹ Công an Nhân Dân và vấn đề an ninh trật tự nên chỉ có một số tác phẩm ít nhiều có tính chất trinh thám chứ chưa chưa thực sự có những truyện trinh thám theo đúng nghĩa của nó. Chính vì vậy, tôi rất quan tâm đến cuộc tọa đàm “Văn học trinh thám hiện đại, giao thoa Đông và Tây” tổ chức tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam ngày 9/9/2022, nhân dịp nhà văn viết trinh thám Oystein Torsrud (Na Uy) sang giao lưu với độc giả Việt Nam.
Tại cuộc tọa đàm này, các diễn giả đã nêu ra một số vấn đề liên quan đến truyện trinh thám. Trong đó, tôi rất tán thành một nhận xét cho rằng: các nhà văn Việt Nam đã nghiêm trọng hóa các đề tài, câu chữ vì theo tôi chính thái độ này đã dẫn đến việc coi thường truyện trinh thám như đã nêu ở trên.
Tôi thực sự thấy vui khi nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết ông hoàn toàn ủng hộ và mong muốn văn học trinh thám Việt Nam phát triển. Ông cũng đưa ý tưởng về khả năng tổ chức những cuộc thi riêng cho các thể loại trinh thám tại Việt Nam và tiết lộ, hiện ông đã có ý tưởng phối hợp với các đơn vị liên quan có thể sẽ tổ chức cuộc thi tiểu thuyết về đề tài trinh thám.
Như vậy là thà muộn còn hơn không!
4. Nếu chỉ nhìn vào số lượng những cuốn sách truyện trinh thám mà tôi đã được xuất bản ở thời kỳ đó, có lẽ bạn đọc cũng đã ít nhiều hình dung tôi đã phải trăn trở, vật vã như thế nào khi viết ra chúng.
Có thể mô tả quy trình viết của tôi diễn ra như sau: khi bắt đầu một cuốn truyện mới, tôi sẽ dồn toàn bộ thời gian, tâm trí, sức lực cho tác phẩm. Công việc này có thể kéo dài từ 3 dến 6 tháng (đôi khi, trong cùng một thời điểm, tôi đồng thời viết nhiều tác phẩm thuộc các thể loại khác nhau). Trong thời gian này, tôi hầu như thoát ly khỏi cuộc sống thường ngày để nhập hồn vào cùng với các nhân vật, các tình huống và diễn biến của tác phẩm. Sau khi đã hoàn thành bản thảo và bàn giao cho một nhà xuất bản, đầu óc tôi trở nên trống rỗng như một con tằm đã nhả hết tơ, chả còn muốn viết lách gì nữa. Tình trạng ấy có thể kéo dài hằng tháng. Đây là thời gian tôi được trở lại với những công việc của gia đình và chăm sóc con cái. Rồi những ý tưởng mới lại đến, thúc đẩy tôi ngồi vào bàn viết. Thế là lại mấy tháng trôi qua cho đến khi bản thảo của cuốn sách được hoàn thành… Quá trình ấy cứ lặp đi lặp lại qua suốt nhiều năm, đã được bà vợ tôi khái quát một cách chua chát: “Mấy mẹ con tôi sống xen kẽ giữa những cuốn sách của ông”!
Ngày ấy chưa có máy tính nhưng tôi có thể viết bằng máy chữ. Ngay sau khi cuốn tiểu thuyết đầu tay là “Theo vết con hạc cổ” được xuất bản, tôi đã dành một nửa tiền nhuận bút để mua một cái máy chữ. Tuy máy đã qua sử dụng nhưng vẫn còn rất tốt. Không có thời gian để học cách đánh máy, tôi mày mò tự học rồi cuối cùng cũng làm được. Vậy là bất kể mùa Đông giá lạnh hay mùa Hè nóng bức, hễ có thời gian là tôi lại ngồi trước cái máy chữ ấy, gõ liên hồi kỳ trận.
Trong quá trình sáng tác, tôi thường mày mò tự mình rút ra những vấn đề lý luận để áp dụng vào công việc và chính điều đó đã giúp tôi có thể khai thác được tối đa những đặc điểm của thể loại, để có thể đi đến tận cùng với thể loại đó. Chẳng hạn, trong thập kỷ 80 của thế kỷ trước, khi còn đang viết rất nhiều tiểu phẩm, truyện châm biếm, tôi đã tự mình trả lời những câu hỏi như: Điều gì đã khiến cho người ta cười khi đọc tiểu phẩm. Câu hỏi tiếp sau là: Có những thủ pháp nào để tạo ra được tiếng cười? Ngày đó, tôi chỉ mới xác định được bốn thủ pháp có thể tạo ra tiếng cười cho người đọc và đã vận dụng một cách rất hiệu quả trong việc viết tiểu phẩm. Sau này, khi đã trở thành giảng viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chịu trách nhiệm giảng bài về tiếng cười trong tiểu phẩm, tôi đã tiếp tục tìm hiểu để rút ra được 9 thủ pháp có thể tạo ra tiếng cười không chỉ trong tiểu phẩm mà cả trong các lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, văn học và tất cả những hình thức có thể gây cười khác. Tất nhiên, mục đích của tiểu phẩm không phải là chỉ để gây cười. Tiếng cười trong tiểu phẩm (và trong các hình thức nghệ thuật hài hước khác) là phương tiện để đạt tới được những mục đích cao hơn, sâu xa hơn…
Tương tự như vậy, với truyện trinh thám, sau những thành công ban đầu, tôi cảm thấy bế tắc khi nhận ra rằng: nếu cứ viết như thế thì sẽ không thể thoát khỏi cái nguyên tắc “ta thắng – địch thua” rất nhàm chán nhưng cũng rất phổ biến trong các tác phẩm (kẻ cả báo chí và văn học) ở thời kỳ này. Do đó, tôi đã tìm đọc một số tác phẩm trinh thám của các tác giả nổi tiếng nước ngoài như: Conan Doyle, Sydney Sheldon, Agatha Christie, Jeffery Deaver, Lôi Mễ… Ngoài ra, tôi cũng tìm đọc một số cuốn truyện trinh thám của các tác giả ngoài nước được dịch và đã xuất bản ở nước ta thời kỳ đó như: “Tháng Tám không vua (Tháng 8 vắng bóng Nhật hoàng”) của Kiutzo Kôbayasi; “Sáu ngày của Condor” của James Grady v.v. Qua đó, tôi nhận thấy rằng: nếu nhân vật chính chỉ là những con người bình thường nhưng không may bị rơi vào một hoàn cảnh éo le nên buộc phải tự vệ để tự cứu mình thì truyện sẽ hấp dẫn hơn, căng thẳng hơn. Một người bình thường rơi vào cái hoàn cảnh bị cả cảnh sát và tội phạm cùng săn đuổi, nhân vật ấy chí có một cách duy nhất là bỏ trốn và trong quá trình đó, nếu nhân vật ấy đã vượt qua những khó khăn, thử thách (không phải chỉ bằng súng, dao mà chủ yếu là bằng trí thông minh, tinh thần dũng cảm và cuối cùng đã tự minh oan cho mình) thì họ sẽ trở thành một nhân vật của truyện trinh thám.
Cũng chính điều này đã cho thấy: bên cạnh các thể loại văn học khác, truyện trinh thám trên thế giới từ lâu đã đã được coi là một dòng văn học với những đặc trưng và bản sắc riêng, có sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với công chúng.
Tôi cũng nhận thấy rằng: sức hấp dẫn của truyện trinh thám là ở tính kịch căng thẳng và khả năng kích thích, khơi gợi sự tò mò và suy luận của độc giả. Điều may mắn là trước khi viết truyện trinh thám, tôi đã có hàng chục vở kịch truyền thanh phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và các Đài địa phương nên cũng đã ít nhiều có kinh nghiệm trong việc tổ chức xung đột kịch và điều đó đã giúp tôi vững vàng hơn, tự tin hơn trong quá trình sáng tác.
Việc phát hiện ra “tuyến nhân vật thứ ba” (bên cạnh hai tuyến nhân vật “mặc định” khác là công an và tội phạm) đã mở ra một hướng đi mới và tôi đã vận dụng một cách rất hiệu quả trong các tác phẩm sau đó của mình. Nhưng người bình thường đã trở thành nhân vật chính trong tác phẩm trinh thám của tôi. Đó là nhân vật Sơn trong tiểu thuyết “Thung lũng không tên”; là người đàn bà bất hạnh có tên là Thùy Linh trong “Cơn ác mộng”; là nữ nhà báo Lê Hà trong tiểu thuyết “Săn vàng” hay chàng trai trẻ (cũng là một nhà báo) tên là Hưng trong tiểu thuyết “Cơn ác mộng” (Ba ngày với quỷ) v.v.
Khác với những truyện mà trong đó thường chỉ có hai tuyến nhân vật đối lập nhau (một bên là công an, một bên là tội phạm) với cái kết mặc định là “ta thắng – địch thua”, tuyến nhân vật thứ ba này đã làm cho các tác phẩm trinh thám gần với cuộc sống đời thường hơn bởi người đọc có thể nhìn thấy hình bóng của mình, câu chuyện của chính mình trong trong tác phẩm.
5. Do dung lượng có hạn của một tập sách, phần II của bộ Tuyển tập này chỉ có thể tuyển chọn và giới thiệu 6 cuốn trong tổng số 15 cuốn tiểu thuyết, truyện dài của tôi đã được xuất bản những năm trước đây. Do đó, đây chỉ là những tác phẩm ít nhiều có tính đại diện chứ chưa phải là toàn bộ những sáng tác để cho thấy phong cách của tôi ở thể loại này.
Những cuốn sách được tuyển chọn ở đây đều đã được xuất bản từ cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Những câu chuyện trong các tác phẩm chỉ phản ánh hiện thực đời sống xã hội ở nước ta trong thời kỳ này, do đó có nhiều điều đã trở nên xa lạ, lạc hậu, khác biệt rất nhiều so với thực tế của cuộc sống hôm nay. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, nó có thể giúp cho các thế hệ độc giả trẻ có dịp nhìn lại nhìn lại để so sánh, còn với những độc giả cùng thế hệ với tôi thì có thể hồi tưởng lại những cảm xúc của mình. Chỉ cần như vậy thôi cũng đủ để tôi cảm thấy thật hạnh phúc.
Thực ra, tôi đã chuẩn bị cho việc xuất bản bộ Tuyển tập này từ cách đây hơn 10 năm. Ngày ấy, tôi đã cho đánh máy lại tất cả các bản thảo dự định sẽ đưa vào Tuyển tập. Nhưng việc chuyển công tác từ Học viện Báo chí và Tuyên truyền ra Kênh Truyền hình Nhân Dân (Báo Nhân Dân) đã làm đảo lộn nhiều dự định nên đến tận bây giờ tôi mới có thể triển khai công việc xuất bản bộ Tuyển tập này được.
Tuy nhiên, tôi vẫn tự động viên mình: thà muộn còn hơn không!
Hà Nội, tháng 3-2023
LTKT